Chi tiết bài viết

NỮ TỔNG THỐNG ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ ẤN ĐỘ

NỮ TỔNG THỐNG ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ ẤN ĐỘ Ngày 21-7-2007 là ngày có ý nghĩa đánh dấu một mốc quan trọng trong phong trào phụ nữ và lịch sử hiện đại của Ấn Độ, Uỷ ban bầu cử của Ấn Độ tuyên bố kết quả bỏ phiếu lựa chọn Tổng thống lần thứ 13 của Ấn Độ - Bà Pratibha Patil.
 PRATIBHA PATIL
NỮ TỔNG THỐNG ĐẦU TIÊN TRONG LỊCH SỬ ẤN ĐỘ
 
  Ngày 21-7-2007 là ngày có ý nghĩa đánh dấu một mốc quan trọng trong phong trào phụ nữ và lịch sử hiện đại của Ấn Độ, Uỷ ban bầu cử của Ấn Độ tuyên bố kết quả bỏ phiếu lựa chọn Tổng thống lần thứ 13 của Ấn Độ - Bà Pratibha Patil. Bà đã chiến thắng với ưu thế là người đứng đầu liên minh chấp chính của Đảng Quốc đại, và trở thành nữ Tổng thống đầu tiên của Ấn Độ sau 60 năm thành lập.
  Đã 72 tuổi, bà Patil có dáng người nhỏ nhắn, trông bà không khác gì những người phụ nữ Ấn Độ

cao tuổi thân thiện và chất phác. Nhưng tính cách kiên định, tư duy minh mẫn, ánh mắt sắc bén, xử lý công việc điềm tĩnh và chu đáo, thể hiện khí chất phi phàm của người phụ nữ quyền uy. Từ khi tham gia chính trị đến nay, bà đã ghi được hai “kỷ lục”: năm 2004 - bà nhậm chức Thủ hiến bang Rajasthan - bang lớn thứ hai của Ấn Độ, và là nữ Thủ hiến đầu tiên; còn bây giờ, bà trở thành vị nữ nguyên thủ quốc gia đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ.

  Theo quy định hiến pháp Ấn Độ, nhiệm kỳ của Tổng thống là 5 năm.
Trong thời gian “tìm kiếm” ứng viên kéo dài tới nửa năm của Đảng Quốc đại, có rất nhiều ứng viên chờ tuyển chọn với danh sách kéo dài tới 2 chữ số, trong đó có cả Ngoại trưởng Mukherjee, bộ trưởng Nội vụ Patil (một người cùng họ với bà), Bộ trưởng Năng lượng, Chủ tịch uỷ ban Văn hoá Karan Singh, nhưng trong số các ứng viên “nặng ký” này, sự ủng hộ dành cho Bộ trưởng Nội vụ Patil vẫn cao nhất.
  Các ứng cử viên Tổng thống không phải có được sự ủng hộ của các thành viên trong liên minh chấp chính, khi thực hiện việc lựa chọn, còn phải có được sự thống nhất trong “Liên minh tiến bộ đoàn kết”.
Ngoại trưởng Mukherjee là người được sự đồng ý của các bên, nhưng điều đáng tiếc là Đảng Quốc đại lại không muốn “thả” ông, vì lý do là ngoài chức Ngoại trưởng ra, ông còn đảm nhiệm chức vụ phụ trách hơn 30 Uỷ ban quan trọng của Chính phủ, ngoài ra ông còn có khả năng điều hành rất tốt trong Liên minh chính trị, nếu ông làm Tổng thống thì sẽ bị khuyết các vị trí nói trên; Chủ tịch uỷ ban Văn hoá Karan Singh học vấn uyên bác, được mọi người tôn trọng, nhưng ông lại là Hậu duệ của Vương công Kashmir, nên bị Đảng cánh tả cho rằng “không phù hợp làm đại diện của Ấn Độ”. Các ứng viên khác đều không được hoàn toàn lý tưởng, do đó, hai tuần trước khi Đảng Quốc đại tuyên bố, rất nhiều hãng truyền thông gần như đều nhất trí rằng bà Patil là người xứng đáng với vị trí Tổng thống.
Bà Patil sinh ngày 19-12-1934 sinh ra ở thành phố Jalgaon - một thành phố nhỏ ở bang Maharashtra miền Trung Ấn Độ. Gia đình bà thuộc hàng danh giá, phụ thân của bà là một ủy viên công tố, bà là con gái duy nhất trong gia đình có 6 người con.
Hồi nhỏ bà học ở Munbai và Jalgaon và đã nhận được các học vị Cử nhân luật và Thạc sĩ Nghệ thuật. Thời thanh niên, bà rất tích cực tham gia các hoạt động thể thao. Trong thời gian học Đại học, bà đã từng giành chức quán quân của cuộc thi Bóng bàn sinh viên Đại học của Ấn Độ, và từng được bình chọn là “Hoa khôi sinh viên” trong thời gian làm nghiên cứu sinh ở Jalgaon.
Sau khi  tốt nghiệp Đại học, bà Patil bắt đầu công việc trong lĩnh vực luật và dần trở thành một luật sư xuất sắc.
Năm 1962, bà được bầu làm nghị sĩ của Bang Maharashtra khi mới 28 tuổi và trở thành một trong những nghị sĩ trẻ tuổi nhất lúc đó. Suốt 23 năm sau khi bước chân vào chính trường, bà luôn là nghị sĩ của Bang, 7 lần làm Bộ trưởng của chính quyền bang, phụ trách các vấn đề phúc lợi, y tế công cộng, văn hóa giáo dục…
Năm 1985,  bà Patil được bầu làm nghị sĩ của Nghị viện liên bang Ấn Độ (Thượng viện), tiếp đó bà giữ chức Phó nghị viện liên bang, năm 1988, bà được bầu làm Chủ tịch Đảng Quốc đại của bang Maharashtra, năm 1991, bà được chọn làm nghị sĩ của Nghị viện nhân dân (Hạ viện). Tháng 11-2004, bà lại được bầu làm Thủ hiến bang Rajasthan và trở thành nữ Thủ hiến bang đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ.
Với tính cách mạnh mẽ nhưng lời nói luôn nhẹ nhàng, ôn hòa và đầy sức thuyết phục, vị chính trị gia này rất quan tâm đến sự nghiệp giáo dục và phúc lợi xã hội, bà luôn coi việc giúp đỡ những người nghèo trong xã hội làm niềm vui, bà còn đặc biệt quan tâm đến việc giáo dục cho phụ nữ và trẻ em. Bà đã từng xây một trường kỹ thuật cho thanh niên quê hương bà, hợp tác với Hội phụ nữ xây ngân hàng gúip đỡ phụ nữ nghèo....
Bà Patil là một người dễ gần nên những người quen đều gọi bà bằng cái tên thân thiết “Chị Patil”. Trong thời gian làm Thủ hiến bang Rajasthan, cánh cổng của tòa nhà Thủ hiến luôn rộng mở đón tiếp người dân. Sự gần gũi của bà rất được lòng dân và nâng cao thanh thế của bà trong lòng họ.
Bà Patil là một nhà hoạt động xã hội nên đã nhiều lần đại diện đoàn đại biểu Ấn Độ thực hiện các chuyến thăm nước ngoài và tham gia các cuộc hội nghị. Năm 1995, bà đã đại diện Ấn Độ tham gia Đại hội Phụ nữ thế giới tổ chức ở Bắc Kinh.
Bên cạnh công việc đầy bận rộn của chính trường, bà có được sự hỗ trợ rất lớn từ phía gia đình. Chồng bà, ông Shekhawat là người làm công tác giáo dục và cũng đã từng làm thị trưởng và nghị sĩ. Hai người kết hôn năm 1965, họ sinh được hai người con một trai một gái và đã đều trưởng thành.
Người con trai của họ phụ trách quản lý tổ chức giáo dục do bố mẹ sáng lập, còn người con gái là một kỹ sư điện tử.
Tổng thống Ấn Độ là Nguyên thủ quốc gia và thống soái bộ đội vũ trang, thông thường thực hiện chức quyền theo kiến nghị của Hội đồng Bộ trưởng do Thủ tướng đứng đầu, nhưng trên thực tế quyền lực rất hạn chế. Nhưng khi đất nước bị đe dọa, bị nước ngoài xâm lược hoặc xảy ra bạo động vũ trang, thì Tổng thống có quyền tuyên bố đất nước ở vào tình trạng khẩn cấp. Nếu Chính phủ bị tê liệt, Tổng thống cũng có thể thực hiện chức năng đầu não Chính phủ. Tổng thống còn có quyền phủ quyết các dự luật và chỉ định nội các chính đảng khi không lựa chọn được người trong cuộc bầu cử, Tổng thống còn có thể phát huy tác dụng quan trọng trong quá trình xây dựng chính quyền địa phương và chính quyền liên bang. Do đó, trên Chính trường Ấn Độ, gánh nặng chính trị của Tổng thống ngày càng nặng nề.
Trong cuộc tuyển chọn người vào vị trí Tổng thống, Đảng nhân dân Ấn Độ - Đảng phản đối lớn nhất liên tục công kích bà. Trước tiên, Đảng phản đối lật lại một vụ việc của ông Shekhawat - chồng bà. Ông bị chỉ trích nghi ngờ liên quan đến cái chết của một giáo viên 7 năm về trước. Theo tờ “Tin nhanh Ấn Độ”, vị giáo viên này trước đây dạy ở một trường làng trong Hiệp hội của ông Shekhawat, vì bị nợ tới 15 tháng lương nên ông đã đi đến tuyệt vọng. Trước khi chết, ông ta gửi cho quan tòa của tòa án Mumbai một bức thư, trong thư tố cáo “cuộc sống của một người là thứ đồ ăn của người khác”, và  còn nhắc đến tên của ông Shekhawat, nhưng vụ án này cho đến lúc tuyển cử vẫn chưa có kết quả điều tra. Sau đó, Đảng phản đối lại phê phán một người anh em của bà Patil bị nghi ngờ liên quan đến một vụ án mạng. Ngoài ra, Liên minh chính Đảng của phái phản đối còn tuyên bố gia đình bà vướng vào một khoản nợ khổng lồ làm cho ngân hàng gia đình bà thành lập bị phá sản… Tóm lại, mọi ngón đòn tấn công đó cũng chỉ nhằm vào một mục tiêu là “Patil không thích hợp với chức vụ Tổng thống”.
Nhưng cho dù cuộc đấu tranh trước tuyển cử kịch liệt đến thế nào, thì kết quả tuyển cử vẫn gần như không có gì đáng lo ngại. Hiến pháp Ấn Độ quy định, Tổng thống do Nghị sĩ của nghị viện liên bang và các thành viên Hội nghị viện liên bang bầu chọn ra. Cuộc bầu chọn tiến hành theo hình thức bỏ phiếu kín, tổng cộng có 1,098 triệu lá phiếu, người nào có được trên 50% số phiếu bầu sẽ là người bước vào Phủ Tổng thống.
Trước cuộc bầu cử, một quan sát viên cho rằng, lần bỏ phiếu này cũng chỉ là hình thức, vì Liên minh tiến bộ đoàn kết chấp chính chiếm ưu thế ở cả hai viện và các Hội nghị viên bang, nên đảm bảo được phiếu bầu cho bà Patil trúng cử. Một cuộc điều tra dân ý trước bầu cử cũng cho thấy, việc bà Patil có được 600 nghìn phiếu sẽ không gặp phải vấn đề gì.
Một đơn vị truyền thông của Ấn Độ cho biết, trong lịch sử chính trị của mình, bà Patil chưa từng thua trong bất kỳ cuộc bầu cử nào. Trong lần tuyển cử lớn này, bà lại chiến thắng.
Trên thực tế, sau khi công bố bà Patil trúng cử Tổng thống, các phái của Ấn Độ rất nhanh chóng chấp nhận sự thật là bà Patil được chọn làm Tổng thống. Tuy rất nhiều hãng truyền thông có bài ca ngợi bà và cũng vẫn có nhiều bài tiếp tục phản đối bà, nhưng bà Patil vẫn tin tưởng mình sẽ vượt qua được tất cả.
Cuộc tuyển cử diễn ra vào ngày 19-7-2007, hai ngày sau, Uỷ ban tuyển cử Ấn Độ công bố kết quả kiểm phiếu, bà Patil giành được 63,8 vạn lá phiếu, còn đối thủ của bà - ông Bhairon Singh Shekhawat chỉ giành được 33,1 vạn phiếu bầu. Sau khi biết mình đã thành công, bà Patil đã phát biểu rất cảm động rằng: “Đây là thắng lợi mang tính nguyên tắc, đây là thắng lợi của nhân dân. Tôi xin cảm ơn nhân dân Ấn Độ”. Chủ tịch đảng Quốc đại Sonia Gandhi đã chúc mừng bà và trả lời báo chí rằng: “Trong 60 năm kể từ khi Ấn Độ được độc lập, giây phút lịch sử  kiêu hãnh nhất chính là lúc Ấn Độ đã sinh ra một vị nữ Tổng thống”.
Có những phân tích cho rằng, bà Patil có thể chiến thắng trong cuộc tuyển cử này là do đa số các chính trị gia Ấn Độ muốn nhân dịp này đề cao địa vị của người phụ nữ. Liên minh chấp chính đã đưa ra lời phát biểu của mình vào trung tuần tháng 6-2007 rằng: “Việc đề cử bà Patil làm Tổng thống là tín hiệu cổ vũ lòng dân, việc này không chỉ nhấn mạnh với phụ nữ Ấn Độ mà còn với xã hội quốc tế rằng: Ấn Độ là đất nước coi trọng phụ nữ, Chính phủ Ấn Độ ủng hộ sự nghiệp phát triển phụ nữ”.
Sau khi trúng cử, công chúng và giới truyền thông Ấn Độ đều thể hiện sự ủng hộ nhất trí, họ cho rằng bà đã “phá dỡ được chiếc lô cốt cuối cùng của sự thống trị của nam giới”.
Ngày 25-7, vị tân Tổng thống của Ấn Độ chính thức tuyên thệ để trở thành vị Tổng thống thứ 13 của Ấn Độ. Trong buổi lễ long trọng đó, bà đã nói rằng, theo đà phát triển nhanh chóng của nền kinh tế, Ấn Độ đã đứng ở ngưỡng cửa của thời kỳ lịch sử, “Chúng ta phải cùng cố gắng duy trì sự phát triển của kinh tế Ấn Độ”, “Chúng ta phải bảo đảm mỗi bộ phận trong xã hội, đặc biệt là những người dân nghèo đều được trở thành người hưởng lợi và được tham gia bình đẳng trong xã hội”. Điều này đã làm mọi người hồi tưởng lại sự thể hiện của bà cách đó một tháng sau khi có tên trong danh sách đề cử Tổng thống là “Hết sức xóa bỏ đói nghèo, thu hẹp vấn đề khoảng cách xã hội”. Ước nguyện của vị tân Tổng thống thật tốt đẹp, nhưng đó sẽ là con đường dài đối với một đất nước đông tới 1,1 tỷ dân.  
 Nguồn: Tạp chí truyền hình (Số 10, 12/3/2009)