Chi tiết bài viết

"Mùi" của Tết

"Mùi" của Tết (LDTTg) Những tháng cuối mùa đông, người nông dân giữ lại vài luống rau mùi, cứ để cây phát triển tự nhiên để lấy hạt giống cho lứa rau mới, còn thân cây mùi già thì để dành sát Tết đem bán. Khoảng chục thân mùi già màu nâu sẫm được bó giản dị bằng chiếc lạt tre chả đáng bao nhiêu tiền, nhưng nó mang đến mùi hương của mùa xuân.

Dịch Việt - Trung cần chú ý những gì?

Dịch Trung – Việt cần chú ý những gì

Sổ tay tự học dịch tiếng Trung

Phiên dịch văn phòng dịch những gì?

Cách viết số tiền trong tiếng Trung

-----

(LDTTg) Một năm có bao nhiêu ngày lễ tết, nhưng có lẽ, duy nhất dịp tết cổ truyền là có “Mùi”, thứ “Mùi” bình dị nhưng ấm áp và rất Tết!

Ngày xưa, khoảng hơn hai mươi năm trước, cái thời mà các loại dầu gội, sữa tắm vẫn được coi là thứ hàng xa sỉ, thì cứ qua ngày ông Công ông Táo, ngoài đường và quanh chợ bắt đầu xuất hiện những người bán hàng gánh đám lá mùi già đi bán rong. Những tháng cuối mùa đông, người nông dân giữ lại vài luống rau mùi, cứ để cây phát triển tự nhiên để lấy hạt giống cho lứa rau mới, còn thân cây mùi già thì để dành sát Tết đem bán. Khoảng chục thân mùi già màu nâu sẫm được bó giản dị bằng chiếc lạt tre chả đáng bao nhiêu tiền, nhưng nó mang đến mùi hương của mùa xuân.

 

 

Thời bao cấp, làm gì có bình nóng lạnh nên nhà nào cũng có một chiếc nồi to chuyên để đun nước tắm. Sau những bận rộn từ việc chuẩn bị đồ cho đến dọn dẹp nhà cửa của những ngày giáp Tết, trước lúc giao thừa, mọi người không thể quên “Thủ tục” tắm tất niên. Lần tắm cuối cùng trong năm cũ sẽ gột rửa hết những lo âu, mệt mỏi và những gì không may mắn trong năm, làn khói trắng nghi ngút từ nồi lá mùi già thơm lừng khắp nhà, xua tan cái giá lạnh và mưa phùn của đêm ba mươi. Sáng mùng một, buổi sáng đầu tiên của năm mới, mùi hương này lại lan tỏa khắp nhà từ chậu nước rửa mặt để chào đón năm mới bằng sự thơm tho và thanh khiết!

 

Ngày nay, tuy đã quen với các loại sữa tắm, dầu gội, nhưng mỗi khi Tết đến, mùi hương của nắm lá mùi già vẫn có một vị trí riêng trong thói quen và ký ức của tôi.

 

Giữa dòng người vội vã với  đào quất, những bác nông dân chân chất với đôi quang gánh hoặc chiếc xảo sau yên xe chất đầy những nắm lá mùi, lặng lẽ, len lỏi giữa dòng người. Có khi họ đi hết phố này sang phố khác, đi hết cả buổi, cả ngày mới bán hết, vì chắc chỉ còn những người hoài cổ mới mua lá mùi già, nhưng với tôi, chỉ cần thoáng trông thấy bóng họ, thế nào tôi cũng ghé lại gần, tranh thủ thưởng thức thứ mùi thơm đã đi vào ký ức và mua vài nắm lá mang về.

 

Không còn thói quen đun nước tắm nữa, nên những nắm lá mùi được treo trong nhà tắm, được treo ở cầu thang hoặc một nơi nào đó trong bếp, để mỗi khi đi ngang qua, mọi người lại ghé người hít hà thứ mùi quen thuộc ấy. Nhưng sáng mùng một Tết nào tôi cũng rửa mặt bằng nước lá mùi, chỉ cần vài nhánh lá thôi, ngâm vào nước nóng vài phút là tôi lại được chìm trong thứ hương quen thuộc suốt cả tuổi thơ.

 

 

Tôi luôn yêu quý những người bán lá mùi, họ nói giá bao nhiêu, tôi mua bấy nhiêu, không bao giờ mặc cả, bán dăm chục mớ lá mùi thu về chả được bao nhiêu tiền, nhưng với họ, đó là những thành quả lao động cuối cùng trong năm, dù không được nhiều nhưng chút tiền đó có lẽ cũng giúp họ mua thêm được đồng quà tấm bánh cho con cháu.

 

Có đôi lúc tôi còn ngẩn ngơ nghĩ rằng, vào một lúc nào đó, không còn những người đi rong bán lá mùi già thì còn gọi là Tết nữa hay không? Tết với tôi, ngoài hoa đào để ngắm, ngoài bánh chưng để ăn, còn phải có lá mùi già nữa, vì đó mới là mùi của mùa xuân, Mùi của Tết! 

 

Mùi của Tết trên một chuyến bay Tết!

Tôi mang Tết đi chơi!

(LDTTg)

Bài viết thuộc bản quyền của www.luyendichtiengtrung.com, vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép bài viết từ website này, xin cảm ơn!