Chi tiết bài viết

Bánh chưng xanh

Bánh chưng xanh (LDTTg) Có một thời gian, chuyện các gia đình tự gói bánh chưng có vẻ không còn được phổ biến vì sự thuận tiện của các dịch vụ trong dịp Tết, nhưng một số năm gần đây, thói quen tự gói bánh chưng lại được phục hồi, vì trong dịp lễ lớn nhất trong năm này, không khí náo nức chuẩn bị và cảm giác được tự tay gói những chiếc bánh cho gia đình và người thân thật sự rất thú vị và không phải lúc nào cũng có thể cảm nhận!

(LDTTg) Bánh chưng - món ăn truyền thống không thể thiếu trong mỗi gia đình Việt Nam trong dịp Tết Nguyên đán. Nhà nào ăn ít cũng phải có vài ba chiếc, nhà nào ăn nhiều có khi đến hơn chục chiếc, bánh chưng vừa là thứ đồ ăn đặc trưng, vùa là loại thực phẩm dự trữ vì có thể bảo quản khoảng hơn 10 ngày trong điều kiện thời tiết bình thường.

 

Có một thời gian, chuyện các gia đình tự gói bánh chưng có vẻ không còn được phổ biến vì sự thuận tiện của các dịch vụ trong dịp Tết, nhưng một số năm gần đây, thói quen tự gói bánh chưng lại được phục hồi, vì trong dịp lễ lớn nhất trong năm này, không khí náo nức chuẩn bị và cảm giác được tự tay gói những chiếc bánh cho gia đình và người thân thật sự rất thú vị và không phải lúc nào cũng có thể cảm nhận!
 

 

 

Gạo là nguyên liệu chính của bánh chưng, những hạt gạo nếp tròn mọng thơm nhẹ được vo sạch, thông thường, chỉ cần màu xanh của lá dong cũng đã đủ khiến miếng bánh có màu xanh nhẹ, nếu thích, bạn có thể giã lá nếp, vắt lấy nước rồi trộn vào gạo để đảm bảo bánh có màu xanh thẫm hơn, còn nếu muốn bánh có màu đỏ lạ mắt thì trộn thêm gấc đỏ vào gạo.

 

 

Trước khi chính thức gói bánh, gạo được vảy thêm nước cho đủ độ ẩm và trộn muối, để vỏ bánh không bị nhạt.

 

 

Thịt lợn là thứ nhân bánh không thể thiếu, nhân bánh thường được làm từ thịt dọi, cũng có gia đình chọn thịt mông, nhưng với lượng thịt nạc khá nhiều thì nhân bánh sẽ có cảm giác bị khô. Thịt dọi làm nhân bánh sẽ mang lại vị béo ngậy kể từ lớp vỏ bánh, vì trong quá trình luộc, mỡ sẽ tan chảy và ngấm đều vào từng hạt gạo. Miếng thịt dọi được thái to bản, chia đều giữa tỷ lệ nạc và mỡ, miếng thịt được trần qua nước sôi để khử hết mùi hôi, sau đó được ướp với bột canh, mỳ chính và không được thiếu hạt tiêu.

 

 

Đỗ xanh đồ chín, giã nhuyễn là thứ nguyên liệu mang lại vị bùi cho chiếc bánh. Đỗ ngon được ngâm nước từ tối hôm trước để hạt đỗ nở đều, nếu dùng loại đỗ chưa sát vỏ thì cần tính thêm thời gian đãi vỏ. Đỗ chín giã nhuyễn xong được nắm thành những nắm tròn có số lượng tương đương với số lượng bánh. Nếu nắm to thì chia đôi cho mỗi chiếc bánh, nếu nắm nhỏ thì mỗi bánh dùng hai nắm. 

 

 

Lạt gói bánh nên chọn loại lạt giang, vừa mềm, vừa dai. Lạt mua về nếu chưa dùng ngày nên ngâm nước cho mềm.

 

 

Lá dong rừng được chọn theo hai cỡ lá, lá to để bọc lớp ngoài, còn lá vừa để bọc lót bên trong. Lá dong mua về rửa sạch từng tàu lá, cẩn thận đừng để rách. Sau khi róc nước, thông thường phủ lên trên tờ báo hoặc chiếc khăn sạch để giữ cho lá được tươi và mềm. Trước khi gói bánh, sống lá được tước bỏ một phần để lá mềm hơn khi gói, cuống lá đừng vứt đi nhé, chúng sẽ được lót dưới đáy nồi luộc bánh để đảm bảo lượt bánh xếp dưới cùng không bị cháy.

Nếu thích ăn bánh ngọt thì cho thêm đường Hoa mai phủ giữa thịt và đỗ. Loại đường này sẽ có vị ngọt đậm đà hơn và có màu đẹp hơn là dùng loại đường trắng.

 

 

Nguyên liệu đã sẵn sàng, gói bánh thôi! Các lớp lá được trải ra, lần lượt một lớp gạo, một lớp đỗ, thịt, rồi lại một lớp đỗ, một lớp gạo. Gói lớp lá lót trước, tiếp đó là lớp lá bọc bên ngoài và buộc lạt. Nhớ đánh dấu phân biệt bánh mặn, bánh ngọt hay bánh gấc. Nguyên liệu thường được chuẩn bị dư ra một ít, nên các em bé thế nào cũng được một chiếc bánh xinh xinh, sáng mai thức dậy sung sướng với chiếc bánh của riêng mình!

 

 

Ngoài kiểu gói trực tiếp từ gấp lá, còn có kiểu gói bánh theo khuôn gỗ và gói bánh theo khuôn làm từ chính chiếc lá. Cho dù gói bánh bằng cách nào, thì tiêu chuẩn của một chiếc bánh hoàn chỉnh là bánh vuông vức, các cạnh đều nhau, các góc ngay ngắn, bánh chắc chắn và lạt buộc chặt. 

 

 

Nồi luộc bánh tùy theo số lượng bánh, có thể là nồi to hoặc cả chiếc thùng phuy. Bánh xếp vào nồi, chèn chặt để bánh khỏi bị méo. Cho nước ngập bánh và....

 

 

...nổi lửa lên thôi! Lửa ban đầu phải to, đều để nước luộc chóng sôi. Sau khi nước đã sôi thì duy trì lửa từ 8-12 tiếng thì bánh sẽ chín rền (dừ).

Thức đêm trông nồi bánh chưng là cái thú của hầu hết các bạn thanh niên. Bên cái ấm áp của bếp lửa, bên cái tý tách của than củi, thoang thoảng mùi bánh tỏa ra trong làn khói trắng nghi ngút và thoáng se lạnh của sương đêm, vài củ khoai lang vùi trong đống lửa cháy sém lớp vỏ thơm lừng, tất cả những thứ đó tạo nên một không khí Tết chỉ có ở Việt Nam!

 

Sáng hôm sau, bánh chín rồi, từng cặp bánh được vớt lên và nhúng nhay vào chậu nước lã, để làm trôi lớp mỡ bên ngoài vỏ bánh, để lớp mỡ bên trong lá gặp nước lạnh đông lại, tạo nên lớp màng bảo quản cho bánh được ngon lâu! Từng cặp bánh được xếp ngay ngắn và được nén bằng một mặt phẳng từ chiếc bàn hoặc tấm ván, nước trong các sẽ kẽ lá sẽ chảy ra hết, bánh được nén tạo hình trông sẽ đẹp hơn.

 

Những chiếc bánh được bày trên ban thờ tổ tiên cũng có thể được bọc thêm một lớp lá tươi để chiếc bánh trông được tươi tắn!

 

Chờ khi bánh nguội, chiếc bánh đầu tiên được bóc cho mọi người thưởng thức sau một ngày đêm vất vả chuẩn bị.

 

Bánh mềm, thơm, có độ dẻo của gạo nếp, vị bùi của đỗ xanh, vị béo ngậy của thịt mỡ...ngon quá, thưởng thức thôi! (LDTTg)

 

Bài viết thuộc bản quyền của www.luyendichtiengtrung.com, vui lòng ghi rõ nguồn khi sao chép bài viết từ website này, xin cảm ơn!